Yêu cầu hoàn thành GPMB trước ngày 25/3
Ngày 13/3, ông Lê Hồng Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, UBND tỉnh vừa có công văn yêu cầu các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Hưng Nguyên và Tx.Hoàng Mai đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án đường cao tốc Bắc – Nam.
Trong thời gian qua, UBND tỉnh Nghệ An đã trực tiếp chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có tuyến đường này đi qua phải tập trung giải quyết các khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh công tác GPMB để bàn giao theo đúng tiến độ yêu cầu. Tuy nhiên, đến nay 4 địa phương nói trên vẫn chưa quyết liệt, chưa giải quyết các khó khăn vướng mắc, không lập kế hoạch chi tiết theo yêu cầu, làm chậm tiến độ thực hiện dự án.
Cụ thể, đoạn qua địa bàn tỉnh Nghệ An dài 43,47 km hiện vẫn còn một số vấn đề đang giải quyết. Trong đó, Tx.Hoàng Mai còn vướng mắc 30 hộ dân tại xã Quỳnh Vinh với chiều dài tuyến khoảng 400m do các hộ dân chưa nhận tiền do kiến nghị về giá đền bù; đường ống nước D800 chưa được di dời. Tại xã Quỳnh Trang còn vướng mắc 5 hộ dân với chiều dài tuyến khoảng 200m, các hộ dân chưa nhận tiền do kiến nghị về giá đền bù.
Trong khi đó, tại xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu cũng còn vướng 17 hộ dân đất nông nghiệp với chiều dài tuyến khoảng 300m, các hộ dân đang kiến nghị về bồi thường, hỗ trợ.
Ngoài ra, về các công trình điện cao thế 220kV, 110kV với 13 vị trí cần di dời nhưng hiện mới di dời được 1 vị trí. Đường điện trung, hạ thế với 58 vị trí cần di dời nhưng hiện vẫn còn 15 vị trí chưa di dời.
Đơn cử, nút giao Quốc lộ 7 với cao tốc Bắc - Nam (đoạn qua xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu), các nhà thầu thi công đang khoan địa chất, đan lồng thép chuẩn bị đổ bê tông và ép cọc móng cầu vượt. Tuy nhiên, do có đường điện cao thế 220 Kv phía trên nên tiến độ khá chậm; đơn vị triển khai máy móc, thiết bị từ cuối năm ngoái nhưng mới chỉ khoan móng, địa chất và làm lồng sắt chứ chưa dám triển khai dựng cọc vì không an toàn.
Ông Phan Xuân Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu xác nhận: “Ngoài các nút giao tiếp giáp trực tiếp với đường điện cao thế 220 Kv hoặc 110 Kv như xã Diễn Cát, hiện có một số đoạn cao tốc trùng với tỉnh lộ, huyện lộ cũng có đường điện phía trên do chưa di dời thì nhà thầu không thi công được. Hiện, huyện đang cùng ngành điện lực tập trung để sớm di dời đường dây trên”.
Cũng tại huyện Quỳnh Lưu, hiện có 8 hộ xã Quỳnh Lâm vì chưa có trích đo nên chưa thể đền bù và di dời. Theo các nhà thầu thì thi công di dời đường dây cao thế không khó, tại nút Quỳnh Mỹ chỉ làm 3 tiếng là xong, nếu phối hợp đồng bộ và chuẩn bị tốt không phải cắt điện kéo dài, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống.
Chính vì thế, UBND tỉnh đã phê bình Chủ tịch UBND các huyện, thị xã này vì không thực hiện nghiêm chỉ đạo về công tác giải phóng mặt bằng dự án này trong thời gian qua, làm chậm tiến độ so với yêu cầu.
UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các địa phương trên khẩn trương chỉ đạo các phòng ban lập kế hoạch chi tiết tiến độ thực hiện đối với khối lượng còn lại của từng hạng mục chưa hoàn thành. Hoàn thành báo cáo trước 17h ngày 11/3.
Ngoài ra, yêu cầu các huyện chỉ đạo quyết liệt, hoàn thành công tác GPMB, bàn giao toàn bộ mặt bằng cho Ban quản lý Dự án 6, Bộ Giao thông vận tải trước ngày 25/3. Sau thời gian trên, địa phương nào không hoàn thành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã sẽ phải chịu trách nhiệm.
Vượt khó, nỗ lực thi công cao tốc Bắc – Nam
Ông Nguyễn Linh Lợi, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án 6, Bộ Giao thông vận tải, cho biết dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua Nghệ An có chiều dài 87,84 km có tổng mức đầu tư gần 7.500 tỷ đồng.
Trong đó, có 2 tiểu dự án thành phần là Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Diễn Châu (Nghệ An) và Diễn Châu (Nghệ An) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh) có kinh phí GPMB được phê duyệt là 3.498,9 tỷ đồng. Cụ thể, đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu là 1.787,55 tỷ đồng; đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt là 1.711,35 tỷ đồng. Vốn đã cấp cho dự án là 2.503 tỷ đồng, vốn bố trí năm 2021 là 555,249 tỷ.
Hiện tại, riêng gói Nghi Sơn - Diễn Châu thi công đạt trên 10% khối lượng nên được Bộ Giao thông Vận tải đưa vào danh mục các gói hoàn thành sớm từ 1-3 tháng. Công trình trên tuyến có 3 nút giao, 1 hầm (Trường Vinh), 22 cầu (gồm 14 cầu tuyến chính, 8 cầu vượt), 66 hầm chui dân sinh và 218 cống các loại.
Ông Đinh Anh Thăng, cán bộ kỹ thuật thuộc Tập đoàn Sơn Hải, phụ trách thi công hầm Trường Vinh, xuyên qua núi Mồng Gà (Tx.Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) cho biết hầm dài 450 m, được khởi công hồi tháng 7/2021 và đang được nhà thầu huy động công nhân, máy móc làm việc liên tục. Đây cũng là đoạn đang gặp khó khăn trong công tác thi công do địa chất có nhiều lớp đất đá, trầm tích pha lẫn.
“Công ty đã huy động 120 kỹ sư, công nhân cùng máy móc phải đào xuyên, khoan nổ các lớp đá bên trong núi Mồng Gà. Sau khi dọn đất đá, công nhân sẽ ghim một lớp thép trên nóc hầm, đặt miếng đệm sắt để làm kết cấu chống đỡ. Chúng tôi thay nhau làm việc cả ngày đêm, hi vọng đến cuối tháng 4/2022 sẽ thông hầm như đúng kế hoạch”, ông Thăng nói.
Còn tại gói chạy qua huyện Quỳnh Lưu, hiện đang có 7,6km nền đất yếu, quá trình thi công rất vất vả do phải đắp đường công vụ dài từ 3-4km mới có công địa vào xử lý đất yếu bằng giếng cát và bấc thấm. Đây được xem là điểm “găng” của dự án, nên Ban Quản lý dự án 6 đang yêu cầu nhà thầu xây dựng tiến độ cụ thể để tháo gỡ khó khăn đảm bảo tiến độ chung của toàn bộ dự án.
“Do tuyến đường đi qua nhiều vùng đồng ruộng, ao hồ nhiều nên diện tích phải xử lý đất yếu là rất lớn. Đối với một số đoạn có nền đất yếu, đơn vị thi công phải làm mặt bằng, sau đó chờ kiểm tra, đánh giá độ lún rồi mới có thể tiếp tục thi công”, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án 6 nói.
Cũng vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ dự án, đại diện Ban Quản lý dự án 6 cho biết, đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải có văn bản gửi UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng để sớm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công.
“Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng cho đến thời điểm hiện nay dự án đã đạt tiến độ hơn 18%, chúng tôi luôn giám sát, đốc thúc các nhà thầu đang đẩy nhanh thi công để kịp bàn giao như kế hoạch đề ra”, ông Lợi nói.
Chiều 18/2, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã có cuộc họp về tình hình thực hiện dự án xây dựng đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020, gồm 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 652,86 km. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải kịp thời giải ngân theo đúng tiến độ thi công trên công trường; Phối hợp với Bộ Xây dựng thường xuyên tổ chức các đoàn đi kiểm tra hiện trường, bảo đảm tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng công trình. Các địa phương Ninh Bình, Nghệ An, Thừa thiên Huế, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa có trách nhiệm thực hiện nghiêm cam kết giải quyết toàn bộ các vướng mắc về nguồn vật liệu trước ngày 15/3.
Đối với các ban quản lý xây dựng, nhà thầu xây dựng, đơn vị tư vấn, giám sát, Phó Thủ tướng yêu cầu phải huy động tối đa phương tiện, nhân lực, chạy đua với thời gian, kiểm soát tiến độ chặt chẽ, bảo đảm chất lượng. Kết quả thực hiện nhiệm vụ của tuyến cao tốc Bắc – Nam giai đoạn I sẽ là cơ sở quan trọng để quyết định giao nhiệm vụ thi công xây lắp giai đoạn 2 và các công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia trong tương lai.
Link nội dung: https://phapluatcuocsong.com/nghe-an-phe-binh-4-chu-tich-huyen-do-cham-gpmb-cao-toc-bac-nam-a2410.html