Sáng ngày 16/3, tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với các thành viên của Chính phủ.
Thu gần 5.000 tỷ đồng từ kinh doanh qua mạng
Quản lý thuế kinh doanh qua mạng, đẩy mạnh cải cách trong lĩnh vực thuế là những nội dung thu hút sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Đỗ Đức Hiển (đoàn Tp. HCM) cho rằng thương mại điện tử đã trở thành một xu thế, có bước phát triển nóng gần đây, nhưng cũng kéo theo nhiều vấn đề, đơn cử là hiện tượng dùng thương mại điện tử để buôn bán hàng lậu, hàng cấm, trốn thuế. Từ đó vị đại biểu đặt câu hỏi với Bộ trưởng Công Thương và Bộ trưởng tài chính: "Giải pháp nào để xử lý vấn đề này?".
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định sự quan tâm đặc biệt đến công tác quản lý thuế bán hàng qua môi trường mạng.
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã chỉ đạo ngành thuế kiểm soát chặt lĩnh vực này và đã thu được gần 5.000 tỷ đồng từ kinh doanh trên môi trường mạng. Các doanh nghiệp như Facebook đã nộp 1.694 tỷ đồng, Google 1.618 tỷ đồng tiền thuế.
"Chúng tôi đã rất chủ động trong thu thuế, quản lý thuế qua bán hàng trực tuyến (online), thu thuế trên môi trường mạng xuyên biên giới" Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Tổng Cục Thuế chủ động xây dựng Cổng Thông tin điện tử kê khai thuế xuyên biên giới và kê khai thuế trên môi trường mạng. Ngày 21/3, Cổng Thông tin này sẽ được khai trương để các doanh nghiệp trực tiếp kê khai và thực hiện nộp thuế tham gia giao dịch qua môi trường mạng. Đồng thời có kết nối cơ sở dữ liệu thuế với cơ cơ sở dữ liệu dân cư để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp nộp thuế.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng nhấn mạnh thời gian tới, ngành sẽ tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực thuế. Cụ thể, xây dựng trung tâm dữ liệu về thuế và áp dụng các giải pháp điện tử khác để các hộ kinh doanh nộp thuế qua ứng dụng trên điện thoại di động.
Người nộp thuế sẽ nộp qua điện thoại di động mà không phải đến cơ quan thuế, không phải đến kho bạc. Bên cạnh đó, hóa đơn điện tử sẽ được thực hiện, áp dụng rộng rãi.
Giảm thuế chỉ là một giải pháp trong nhiều giải pháp
Trước câu hỏi của các đại biểu về vấn đề giá xăng dầu, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, khi giá dầu thô thế giới tăng, thì giá cơ sở của chúng ta cũng tăng lên.
Với giá cơ sở 130 USD/thùng với xăng RON 92, giá cơ sở là 18.855 đồng, thuế nhập khẩu 8% là 1.508 đồng, thuế tiêu thụ đặc biệt 10% là 2.036 đồng và chi phí định mức 6% là 1.050 đồng và lợi nhuận định mức 300 đồng, trích Quỹ Bình ổn 300 đồng, phí bảo vệ môi trường 4.000 đồng, VAT là 2.805 đồng. Như vậy, khi giá dầu thô 130 USD thì giá cơ sở đã là 30.800 đồng. Tỷ lệ thuế trên giá xăng dầu chiếm 33,5%.
Phương án giảm thuế chỉ là một giải pháp trong nhiều giải pháp đồng bộ. Khi giá dầu thô 130 USD/thùng, chúng ta giảm 2.000 đồng/lít xăng và 1.000 đồng/lít dầu thì giảm số thu 31.938,6 triệu đồng.
Theo Bộ trưởng Tài chính, khi giá dầu thô tăng lên thì nền kinh tế chịu thiệt hại lớn, giá càng tăng thì sản xuất càng đình trệ. Sắp tới, Bộ Tài chính và Bộ Công thương sẽ tham mưu cho Chính phủ một số giải pháp, trước mắt là đảm bảo nguồn thu và thứ hai là chống buôn lậu xăng dầu và thứ ba giảm thuế môi trường.
"Giảm thuế môi trường là thẩm quyền của Quốc hội nên sẽ nhanh hơn, khi giá là 130 USD chúng ta đề xuất, thì hôm nay giá đã xuống 100 USD. Theo tôi, chúng ta sẽ có giải pháp linh hoạt để đảm bảo vấn đề sản xuất kinh doanh", Bộ trưởng Phớc nói.
Về câu hỏi vì sao xăng dầu là hàng thiết yếu mà lại đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ trưởng Phớc cũng giải đáp, thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế gián thu, do nhà sản xuất xăng dầu và nhà nhập khẩu nộp. Thuế này, theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt quy định, thì nhằm tiết kiệm trong việc sử dụng xăng dầu, cũng như xe cộ, ô tô... Các mặt hàng như bia rượu, thuốc lá, ô tô, xăng dầu... theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, thì đều xác định là mặt hàng chịu thuế.
Giải trình thêm, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu có găm hàng chờ tăng giá hay không, có thể có. Chiết khấu xăng dầu về 0 thì người bán hàng sẽ không bán hàng ra do không có lời.
Về dự trữ xăng dầu quốc gia, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cũng thừa nhận, chưa tách được dự trữ quốc gia ra khỏi dự trữ thương mại. Vì thế, cơ quan quản lý cũng không biết được 33 doanh nghiệp đầu mối trong kho có lượng hàng dự trữ quốc gia được giao quản lý hay không. "Đây là lỗ hổng cần có giải pháp khắc phục", ông Phớc nêu.
Giải pháp theo ông, có thể tới đây chúng ta sẽ lập hệ thống dự trữ quốc gia riêng, dự trữ thương mại riêng. Một trong số đó, có thể nghiên cứu thay đổi phương thức trích lập Quỹ bình ổn giá, chuyển từ tính bằng tiền sang dự trữ hàng để khi có tình huống xảy ra, có hàng cung ứng được ngay.
Link nội dung: https://phapluatcuocsong.com/thu-gan-5000-ty-dong-tu-kinh-doanh-qua-mang-a2371.html