Những bệnh thường gặp mùa nắng nóng và cách phòng tránh

Thời tiết nắng nóng là cơ hội cho các loại virus, vi trùng sinh sôi phát triển, gây ra các bệnh dịch, đặc biệt là các bệnh dễ lây lan qua đường hô hấp, ăn uống và tiếp xúc.

Tuy không phải là những bệnh nan y, nhưng các bệnh truyền nhiễm mùa hè nếu chủ quan không phòng tránh sẽ dẫn tới biến chứng nặng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, chi phí điều trị tốn kém do chưa có thuốc đặc trị.

Đời sống - Những bệnh thường gặp mùa nắng nóng và cách phòng tránh

Bệnh tay chân miệng một trong những căn bệnh phổ biến mùa hè.

Ngộ độc thực phẩm: Mùa nóng, nhiệt độ môi trường phù hợp cho các vi sinh vật gây hại dễ dàng phát triển trong thức ăn thường ngày. Nếu không bảo quản đúng cách, người sử dụng rất dễ bị ngộ độc tiêu hóa dẫn đến tiêu chảy, nôn ói, suy kiệt do mất nước… nhiều trường hợp còn có thể tử vong.

Vì thế, người dân nên ăn chín, uống sôi, bảo quản các thực phẩm dễ ôi thiu trong tủ lạnh và sử dụng ngay sau khi chế biến, không để thực phẩm quá lâu ngoài môi trường nhiệt độ thường.

Các bệnh truyền nhiễm: Thời tiết nắng nóng thường kèm theo mưa nhiều, là điều kiện thuận lợi cho các bệnh lý truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, thủy đậu… phát triển.

Để phòng tránh người dân nên dọn dẹp, phát quang bụi rậm, xử lý các vùng nước đọng hoặc nơi chứa nước phải đảm bảo không để cho lăng quăng phát triển.

Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, tập thể dục vừa phải, ngủ đủ giấc giữ sức đề kháng tốt cho cơ thể để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.

Các bệnh về hô hấp: Việc thay đổi đột ngột từ môi trường sử dụng điều hòa mát lạnh sang môi trường nóng bên ngoài hoặc ở trong môi trường máy lạnh quá lâu khiến các niêm mạc đường hô hấp bị khô dễ gây nên các bệnh lý cho đường hô hấp như: viêm họng, viêm mũi, viêm amidan, viêm xoang, viêm phế quản cấp và nặng hơn có thể gây viêm phổi…

Để phòng tránh các bệnh trên, chúng ta cần duy trì nhiệt độ máy lạnh trong phòng chênh lệch ít so với môi trường, đồng thời hạn chế di chuyển từ trong phòng lạnh ra trời nóng quá nhiều trong ngày. Không để nhiệt độ điều hòa quá thấp hay sử dụng quạt hướng thẳng vào người. Bổ sung nước đầy đủ trong ngày luôn là điều cần thiết trong mọi trường hợp.

Bệnh về da: Việc tiếp xúc nhiều với nắng nóng có thể gây nên sạm da, bỏng nắng, gây lão hóa da sớm và thậm chí có thể gây ung thư da. Đồng thời, mùa nóng cũng làm cho cơ thể ra nhiều mồ hôi dễ gây nên các bệnh về da như rôm sảy, viêm lỗ chân lông, viêm da dị ứng

Người dân khi ra đường cần sử dụng kem chống nắng, uống đủ nước, che chắn bằng các phụ kiện tối màu để tránh các bệnh lý về da.

Viêm não Nhật Bản: Viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm trùng của não do virus viêm não Nhật Bản gây ra, gây tổn thương hệ thần kinh trung ương. Bệnh có thể diễn ra quanh năm nhưng cao điểm nhất là vào mùa hè.

Bệnh Viêm não Nhật Bản thường khởi phát đột ngột, sốt cao trên 39 độ, buồn nôn, nôn khan, đau đầu, phản ứng lờ đờ, chậm chạp. Những di chứng sớm có thể gặp là bại hoặc liệt nửa người, mất ngôn ngữ, múa may, giảm trí nhớ, rối loạn tâm thần, vận động. Khi biến chứng nặng, viêm não Nhật Bản sẽ gây động kinh, giảm hoặc mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Viêm não Nhật Bản hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, tiêm phòng là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất để phòng bệnh viêm não Nhật Bản.

Bệnh tim mạch: Nắng nóng gay gắt thường không có lợi cho tim. Tim phải làm việc nhiều và nhanh hơn khiến mạch đập mạnh và huyết áp tăng. Máu bị đặc lại do mất nước, có thể gây ra tình trạng thiếu oxy, bất tỉnh, nhồi máu hay đột quỵ. Đặc biệt là ở những người lớn tuổi.

Những người có bệnh tim phải sử dụng thuốc đều đặn theo đơn của bác sĩ, luôn mang theo người thuốc hạ huyết, hạn chế vận động khi trời nóng, mang mũ khi đi nắng, giảm các thức ăn nhiều mỡ và nên uống nhiều nước. Cẩn thận khi tắm nước lạnh, đặc biệt với người bị chứng co thắt mạch.

Hầu hết bệnh mùa nóng thường không đáng sợ nhưng nếu người bệnh chủ quan, không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ chuyển hướng xấu, trầm trọng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Vì thế người dân cần hết sức lưu ý theo dõi sức khỏe của bản thân mình, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ.

Cách phòng tránh:

Tăng cường sức đề kháng: Để tăng cường đề kháng, cách tốt nhất là chúng ta cần cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, hợp lý, khoa học. Cân bằng dinh dưỡng chính là chìa khóa giúp chúng ta có một hệ miễn dịch khỏe mạnh.

Ăn đa dạng các loại thực phẩm và tăng cường các loại thức ăn giúp nâng cao hệ miễn dịch như: các thức ăn giàu protein (chất đạm), omega 3 có trong cá, các loại thực phẩm giàu vitamin và vi chất như sắt, kẽm, selen,…

Ăn nhiều rau củ quả và các loại hạt, hạn chế các loại thực phẩm đóng hộp chế biến sẵn. Ăn lượng dầu mỡ vừa phải, giảm lượng đường và muối. Chú ý uống đủ nước và đúng cách. Ngoài ra cần lưu ý bảo đảm các quy tắc về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tăng cường bổ sung vitamin trong các loại rau, củ, quả và uống nhiều nước. Nên sử dụng thêm các loại nước ép bổ sung vitamin C như nước cam, nước ổi…

Vệ sinh cơ thể sạch sẽ, tạo môi trường sinh hoạt thông thoáng: Vệ sinh cơ thể sạch sẽ, đặc biệt là vệ sinh, sát khuẩn vùng họng, răng miệng bằng nước muối loãng hoặc các dung dịch súc miệng khác sẽ giúp loại bỏ và hạn chế sự sinh sôi phát triển của các vi khuẩn có hại.

Ngoài ra, cần tạo môi trường sống sạch sẽ, thông thoáng và hạn chế tập trung chỗ đông người, đặc biệt hạn chế trò chuyện với người mắc bệnh cúm và các bệnh đường hô hấp.

Rèn luyện thể dục, thể thao

Việc rèn luyện thể dục thể thao giúp hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn. Khi cơ thể bị virus xâm nhập, một hệ miễn dịch khỏe mạnh sẽ tấn công nhanh hơn và tiêu diệt các loại virus gây hại đó.

Quỳnh Chi (t/h)