Nhạc sĩ Ngọc Châu qua đời sau khi bị suy tim: 5 dấu hiệu cảnh báo sớm và cách phòng bệnh

Nhạc sĩ Ngọc Châu, tác giả của nhiều bài hát nổi tiếng như "Thì thầm mùa xuân", "Cô tấm ngày nay"... đã từ trần vào sáng ngày 17/3 sau một thời gian điều trị bệnh suy tim.

Sáng ngày 17/3, thông tin nhạc sĩ Ngọc Châu qua đời đã gây chấn động không chỉ trong giới nghệ thuật mà còn đối với những người yêu mến nhạc sĩ tài ba. Nhạc sĩ Ngọc Châu là cha đẻ của nhiều bài hát nổi tiếng qua nhiều thế hệ như "Thì thầm mùa xuân", "Cô tấm ngày nay", "Chiều xuân"...

Được biết, nhạc sĩ Ngọc Châu qua đời sau một thời gian điều trị suy tim. Sự ra đi của ông là nỗi mất mát lớn lao của nền âm nhạc Việt Nam.

5 dấu hiệu sớm cảnh báo suy tim 

Suy tim là tình trạng bệnh lý xảy ra khi cơ tim không có khả năng bơm đủ máu tới các cơ quan trong cơ thể. 

Suy tim có các biểu hiện từ rất sớm nhưng các biểu hiện này lại dễ bị nhầm lẫn với triệu chứng của các bệnh lý thông thường. Việc phát hiện sớm bệnh suy tim sẽ giúp ích rất nhiều trong việc điều trị bệnh.

Hiệp hội Suy tim Hoa Kỳ đưa ra 5 dấu hiệu sau đây cảnh báo suy tim ở giai đoạn sớm.

1. Mệt mỏi

Khi tim không thể bơm đủ lượng máu giàu oxy để đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể, cảm giác mệt mỏi thường xuất hiện.

2. Giới hạn hoạt động

Những người bị suy tim thường không thể thực hiện các hoạt động bình thường như leo cầu thang, đi bộ... vì họ dễ trở nên mệt mỏi và khó thở.

Nhạc sĩ Ngọc Châu qua đời sau khi bị suy tim: 5 dấu hiệu cảnh báo sớm và cách phòng bệnh - Ảnh 1.

Người bị suy tim thường dễ bị mệt hơn. Ảnh minh họa.

3. Ho, thở khò khè

Chất lỏng tích tụ trong phổi có thể khiến bệnh nhân ho, thở khò khè. Dấu hiệu này dễ nhầm lẫn với các bệnh về phổi. 

4. Phù chân

Bình thường, tim có chức năng co bóp, đẩy máu chứa nhiều oxy và và các chất dinh dưỡng cần thiết tới các mô của cơ thể, đồng thời đưa máu có hàm lượng oxy thấp trở lại tim và đào thải các chất thải. Khi chức năng tim suy giảm, lượng máu giàu oxy không tới được các mô. Lượng máu đã được sử dụng, chứa các chất thải thay vì được đẩy trở về tim lại bị giữ lại, nhất là các bộ phận ở xa tim như chi dưới. Do đó, bạn có thể bị phù chân, đùi khi bị suy tim. 

Dấu hiệu này dễ bị nhầm lẫn với một số bệnh về thận.

5. Khó thở

Chất lỏng trong phổi khiến khí cacbonic trong máu đã qua sử dụng không được đẩy ra ngoài, lượng máu bơm vào không đủ khiến phổi bị thiếu oxy. Do đó, bệnh nhân có thể khó thở, nhất là khi nằm xuống. 

Một số triệu chứng khác của suy tim

Suy tim có thể có các triệu chứng khác bao gồm: 

• Nhịp tim nhanh hoặc không đều

• Sưng bụng

• Buồn nôn và chán ăn

• Khó tập trung hoặc giảm sự tỉnh táo

Nhạc sĩ Ngọc Châu qua đời sau khi bị suy tim: 5 dấu hiệu cảnh báo sớm và cách phòng bệnh - Ảnh 2.

Nhịp tim nhanh hoặc không đều cảnh báo suy tim. Ảnh minh họa.

Khi nào cần gặp bác sĩ?  

Điều tốt nhất là đến gặp bác sĩ nếu thấy 5 biểu hiện sớm của bệnh để tìm được nguyên nhân cụ thể và nhận phác đồ điều trị sớm. 

Nếu xuất hiện những dấu hiệu trên và đi kèm với đau tức ngực, ngất xỉu hoặc suy nhược nghiêm trọng, nhịp tim nhanh hoặc không đều, khó thở đột ngột, ho ra chất nhầy có bọt màu trắng hoặc hồng thì cần đến ngay các cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.

Nếu bạn được chẩn đoán suy tim và nếu bất kỳ triệu chứng nào đột nhiên trở nên tồi tệ hơn hoặc xuất hiện thêm triệu chứng mới, điều đó có thể có nghĩa là suy tim đang trở nặng hoặc không đáp ứng với phác đồ điều trị hiện tại. Trường hợp này cũng có thể xảy ra nếu bạn tăng từ 2 - 3 kg trở lên trong vòng vài ngày. 

Cách phòng tránh suy tim

Bạn có thể giảm nguy cơ mắc suy tim cho chính bản thân mình. Hành động càng sớm, cơ hội phòng ngừa càng cao. Bạn có thể bắt đầu với một vài bước đơn giản sau đây: 

1. Duy trì chế độ tập luyện 

Hãy tham khảo các chuyên gia về chế độ tập luyện phù hợp với bản thân mình. Bạn nên tập với cường độ vừa phải ít nhất 2,5 giờ/tuần. Kiểu tập này sẽ giúp tim bạn hoạt động tốt hơn. Đừng ngồi một chỗ quá 2 giờ vì điều này có thể làm tăng nguy cơ suy tim. 

Nhạc sĩ Ngọc Châu qua đời sau khi bị suy tim: 5 dấu hiệu cảnh báo sớm và cách phòng bệnh - Ảnh 3.

Duy trì chế độ tập luyện rất tốt cho sức khỏe tim. Ảnh minh họa.

2. Nói không với các chất kích thích

Các chất kích thích chứa cocaine, heroin,... đều có thể gây hại cho tim của bạn. Những chất này làm cho nhịp tim và huyết áp tăng lên hoặc làm xơ cứng động mạch, cuối cùng dẫn tới suy tim.

3. Điều trị các bệnh lý về tim

Các vấn đề sức khỏe về tim như đau tim, huyết áp cao, mỡ máu cao đều có thể dẫn tới suy tim. Do đó, hãy điều trị tích cực các tình trạng này để tránh suy tim. 

4. Bỏ thuốc lá

Nếu bạn có thói quen hút thuốc lá, hãy từ bỏ ngay lập tức. Thuốc lá có thể làm hỏng động mạch của bạn, từ đó có thể khiến bạn bị suy tim.

5. Ăn uống đúng cách

Có một chế độ dinh dưỡng hợp lý là điều quan trọng nếu bạn muốn ngăn ngừa suy tim. Hãy hạn chế chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, thực phẩm nhiều đường và muối trong chế độ ăn uống của bạn. Thay vào đó, hãy ăn nhiều trái cây và rau, các sản phẩm từ sữa ít béo và protein nạc. Cũng nên chọn "chất béo có lợi" có trong dầu ô liu, quả óc chó, quả bơ và các loại cá như cá hồi hoặc cá ngừ.

Nhạc sĩ Ngọc Châu qua đời sau khi bị suy tim: 5 dấu hiệu cảnh báo sớm và cách phòng bệnh - Ảnh 4.

Thực phẩm tốt cho tim. Ảnh: Shutter.

6. Hạn chế rượu bia

Uống một chút rượu vang có thể có lợi cho tim mạch nhưng uống nhiều thì không. Nam giới không nên uống quá 2 ly rượu vang (khoảng 296ml)/ngày, phụ nữ chỉ nên uống 1 ly (khoảng 148ml)/ngày. Nếu bạn đã bị suy tim, rượu có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh của bạn.

7. Giữ cân nặng ở mức độ hợp lý

Hãy giữ cân nặng ở mức độ vừa phải. Bạn nên duy trì chỉ số khối cơ thể BMI trong khoảng từ 18,5 - 24,9 (BMI = (cân nặng )/(chiều cao x 2), trong đó, chiều cao tính bằng m và cân nặng tính bằng kg). 

8. Kiểm soát stress

Stress có thể làm tăng huyết áp. Bạn hãy cố gắng giữ cho mình một tinh thần thoải mái bằng cách thiền, tập yoga hoặc nhờ sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa. 

TIN LIÊN QUAN

Thứ quả là biểu tượng trường thọ, cực giàu chất chống oxy hóa: Sắp vào mùa tại Việt Nam

9. Ngủ ngon giấc

Ngoài việc ngủ đủ giấc, hãy cố gắng nâng cao chất lượng giấc ngủ bằng cách đi ngủ và thức dậy đúng giờ, không để các thiết bị điện tử trong phòng ngủ,... 

Nếu bạn gặp chứng ngưng thở khi ngủ, hãy điều trị ngay lập tức để giảm nguy cơ bị suy tim.

(Nguồn: Harvard Health Publishing, Mayo Clinic, WebMD)

https://soha.vn/nhac-si-ngoc-chau-qua-doi-sau-khi-bi-suy-tim-5-dau-hieu-canh-bao-som-va-cach-phong-benh-20220317133551502.htm