Nghệ An:Xác minh những khuất tất sau vụ phá rừng tại khu vực biên giới

Chi cục Kiểm lâm Nghệ An đang yêu cầu hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Sơn báo cáo lại vụ phá rừng ở địa phương này. Đây là lần thứ 4 đơn vị này phải báo cáo vụ việc trên.

3 lần báo cáo vẫn chưa rõ chủng loại, số lượng gỗ khai thác

Ngày 6/4, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó chi cục trưởng chi cục Kiểm lâm Nghệ An xác nhận, đơn vị vừa giao hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Sơn phối hợp với ban Quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn làm lại báo cáo cụ thể, chi tiết, chính xác về vụ phá rừng tự nhiên ở vùng biên thuộc xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.

Dân sinh - Nghệ An:Xác minh những khuất tất sau vụ phá rừng tại khu vực biên giới

Số gỗ cơ quan chức năng thu giữ được. Ảnh Chi cục Kiểm lâm Nghệ An.

Trước đó, ngày 4/4, hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Sơn đã có báo cáo gửi chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An về vụ việc trên. Điều đáng nói, đây là lần thứ 3, chi cục Kiểm lâm Nghệ An nhận được báo cáo về vụ phá rừng này từ hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Sơn. Thế nhưng, báo cáo vẫn rất sơ sài, không rõ ràng về số lượng, chủng loại một cách chi tiết.

Vì vậy, chi cục Kiểm lâm Nghệ An tiếp tục yêu cầu hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Sơn làm lại báo cáo xác định rõ chỗ nào rừng sản xuất, chỗ nào rừng phòng hộ, chỗ nào đất ngoài quy hoạch lâm nghiệp. Ngoài ra, phải xác định chỗ nào đã bắt được đối tượng chặt hạ, chỗ nào chưa bắt được đối tượng... Chi cục Kiểm lâm Nghệ An cũng yêu cầu hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Sơn phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm từng cá nhân liên quan.

Dân sinh - Nghệ An:Xác minh những khuất tất sau vụ phá rừng tại khu vực biên giới (Hình 2).

Toàn bộ 11 cây gỗ này có chủng loại thuộc nhóm VIII. Ảnh Chi cục Kiểm lâm Nghệ An.

Theo hồ sơ từ cơ quan chức năng và biên bản được lập vào ngày 17/3 của hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Sơn, qua kiểm tra, đơn vị phát hiện có 7 cây gỗ bị chặt hạ tại lô 8 và lô 6, khoảnh 1, tiểu khu 416, địa bàn xã Nậm Cắn. Số gỗ này được ông Lương Văn Phanh (SN 1979, trú bản Noọng Dẻ, xã Nậm Cắn) nhận do mình chặt.

Ít ngày sau, hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Sơn tiếp tục vào kiểm tra khu vực rừng bị chặt phá và phát hiện có thêm 3 cây gỗ bị chặt, nâng tổng số lên 10 cây. Các cây gỗ bị chặt có đường kính từ 18-50cm.

Điều đáng nói, thời điểm kiểm tra lần 2 này, ông Lương Văn Phanh lại phủ nhận việc mình đã chặt hạ 7 cây gỗ như biên bản lập ngày 17/3, mà chỉ nhận đã chặt hạ 4 cây gỗ để về làm chuồng bò. Số cây gỗ còn lại ông Phanh không biết ai đã chặt.

Ngày 25/3, UBND huyện Kỳ Sơn tiếp tục thành lập đoàn liên ngành vào hiện trường kiểm tra lại vụ chặt phá rừng nói trên. Lần kiểm tra này, cơ quan chức năng phát hiện thêm 1 cây gỗ bị chặt hạ, nâng tổng số cây gỗ bị chặt hạ lên 11.

Chưa xác định được hung thủ chặt gỗ?

Trao đổi thêm về vụ việc, ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, huyện đang tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ đối tượng đã chặt hạ 7 cây gỗ trong tổng số 11 cây bị chặt phá ở khu rừng biên giới do ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Kỳ Sơn quản lý, thuộc địa bàn xã biên giới Nậm Cắn.

Nguyên do, sau khi ông Lương Văn Phanh thừa nhận chặt hạ 4 cây gỗ với tổng khối lượng là 1,95m3, hạt Kiểm lâm huyện sau đó xử phạt vi phạm hành chính đối với ông này. Mức phạt là 17,5 triệu đồng về hành vi khai thác rừng trái pháp luật. Tuy nhiên, 7 cây còn lại với khối lượng 13,68m3 hiện chưa xác định được đối tượng chặt hạ.

Giải thích về việc phải kiểm tra nhiều lần này, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: “Lần đầu tiên sau khi nhận được tin báo thì huyện chỉ đạo hạt Kiểm lâm huyện vào hiện trường kiểm tra. Nhưng hôm đó trời mưa nên chưa kiểm tra hết. Đến lần thứ 2 trời nắng ráo, hạt Kiểm lâm huyện và cơ quan chức năng tiếp tục vào hiện trường kiểm tra, phát hiện có thêm một số cây gỗ bị chặt hạ. Cơ quan chức năng di chuyển số cây gỗ này về tạm giữ tại kho của hạt Kiểm lâm huyện chờ điều tra làm rõ”.

Theo ông Rê, huyện chỉ đạo tiếp tục mở rộng diện tích kiểm tra để làm đúng chính xác, đánh số từng cây một từ cây đầu đến cây cuối, khối lượng phải làm chính xác, không được làm gian dối. Đến ngày 25/3, cơ quan chức năng phát hiện thêm 7 cây gỗ bị chặt phá.

Dân sinh - Nghệ An:Xác minh những khuất tất sau vụ phá rừng tại khu vực biên giới (Hình 3).

Có 4 cây đã xác định đối tượng chặt, 7 cây chưa rõ ai là hung thủ. Ảnh Chi cục Kiểm lâm Nghệ An.

Toàn bộ 11 cây gỗ này có chủng loại thuộc nhóm VIII (gỗ tạp). Đường kính trung bình các cây bị chặt hạ từ 30-65cm (không phải từ 18-50cm như các biên bản lập trước). Tổng khối lượng gỗ bị chặt hạ là 15,63m3 gỗ tròn (còn nguyên cây).

Được biết, số cây bị chặt hạ đều nằm trong diện tích rừng thuộc sự quản lý của ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Kỳ Sơn. Trong đó có 5 cây thuộc lô 8, khoảnh 1 tiểu khu 416 thuộc đối tượng đất ngoài quy hoạch lâm nghiệp, trạng thái rừng thường xanh nghèo. 6 cây còn lại thuộc lô 6, khoảnh 1, tiểu khu 416, đối tượng đất rừng sản xuất, trạng thái rừng thường xanh nghèo.