Ngày 8/4, Đoàn công tác của Bộ Nội vụ do Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc với Hội Luật gia Việt Nam.
Tham gia Đoàn công tác có Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ Thang Thị Hạnh; Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế Vũ Hải Nam, đại diện lãnh đạo Vụ Công chức - Viên chức, Vụ Tiền lương và Văn phòng Bộ; các đồng chí chuyên viên một số đơn vị của Bộ.
Về phía Hội Luật gia Việt Nam có Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền; Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam Trần Công Phàn; các Phó Chủ tịch chuyên trách Hội Luật gia Việt Nam Lê Thị Kim Thanh, Trần Đức Long; Phó Viện trưởng Viện kiểm sát NDTC, Phó Chủ tịch kiêm nhiệm Hội Luật gia Nguyễn Quang Dũng cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Trung ương Hội Luật gia Việt Nam.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng gửi lời chúc mừng đến Hội Luật gia Việt Nam nhân kỷ niệm 67 năm ngày thành lập Hội Luật gia Việt Nam (4/4/1955 - 4/4/2022).
Khẳng định bề dày lịch sử và tầm quan trọng của Hội Luật gia Việt Nam, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng đánh giá: “Trong nhiều năm qua, Hội Luật gia Việt Nam ngày càng phát triển, vững mạnh về tổ chức, tập hợp được đông đảo hội viên, hoạt động rộng khắp trên nhiều lĩnh vực với nhiều thành tích đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao.
Tuy nhiên thực tế, vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách, cơ cấu tổ chức, chế độ phối hợp với các Bộ, ngành gây ảnh hưởng đến quá trình hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích của Hội Luật gia Việt Nam”.
Thứ trưởng đề nghị, sau khi đại diện lãnh đạo Hội Luật gia Việt Nam báo cáo tóm tắt về tình hình tổ chức, hoạt động và kiến nghị; các thành viên tham gia buổi làm việc tập trung, nghiêm túc trao đổi, thảo luận để Hội tiếp tục phát huy kết quả đạt được. Đồng thời, từng bước tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của Hội Luật gia Việt Nam nhằm tiếp tục phát huy vai trò, vị trí của Hội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền trân trọng cảm ơn Bộ Nội vụ, các đồng chí lãnh đạo các đơn vị chuyên trách tham dự buổi làm việc ngày hôm nay. Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền cho hay, sự quan tâm, tạo điều kiện của Bộ Nội vụ, các đơn vị thuộc Bộ Nội vụ, đặc biệt Vụ Tổ chức phi Chính phủ đã ủng hộ cao độ và cộng tác chặt chẽ với Hội Luật gia Việt Nam trong thời gian qua.
Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền cũng bày tỏ mong muốn, qua báo cáo của Hội Luật gia Việt Nam về tình hình tổ chức và hoạt động, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, cũng như đề xuất, kiến nghị để Hội phát huy tốt nhất vai trò, nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ hướng dẫn, giải đáp các thắc mắc của Hội nhằm tìm ra các giải pháp để giải quyết các khó khăn, vướng mắc và xây dựng Hội ngày càng vững mạnh, phát huy dân chủ, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao.
Tiếp đó, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam Trần Công Phàn đã báo cáo tóm tắt tình hình tổ chức và hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam.
Phó Chủ tịch Trần Công Phàn cho hay, trong quá trình thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao, Hội Luật gia Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản quan trọng về công tác của Hội như: Chỉ thị 34 ngày 14/4/1988, Chỉ thị số 19 ngày 19/4/1993 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Chỉ thị số 56 của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam; Kết luận số 19/KL-TW ngày 23/5/2012 và Thông báo kết luận số 50-TB/TW ngày 17/7/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Chỉ thị số 06/2001/CT-TTg ngày 04/9/2001; Chỉ thị số 08/2013/CT-TTg ngày 24/5/2013 và gần đây là Chỉ thị số 21 ngày 30/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp nhằm hỗ trợ, phát huy tốt vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong giai đoạn mới…
Các cấp Hội Luật gia Việt Nam đã tích cực phối hợp, triển khai tổ chức thực hiện các chức năng, nhiệm vụ một cách nghiêm túc và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao vị thế, vai trò và hiệu quả hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam. Tuy nhiên, do một số cơ chế, chính sách, quy định của Đảng và Nhà nước về tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng nói chung, về các hội có tính chất chính trị - xã hội - nghề nghiệp trong đó có Hội Luật gia Việt Nam nói riêng còn chưa đầy đủ, chưa phù hợp, nên hoạt động của các cấp Hội cũng gặp phải khó khăn, vướng mắc.
Nhằm thực hiện hiệu quả hơn chức năng, nhiệm vụ; tổ chức bộ máy, cán bộ; quy chế hoạt động của Hội trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Trần Công Phàn nêu một số kiến nghị:
Đề nghị cho phép Hội Luật gia Việt Nam được thực hiện cơ chế giao việc, khoán biên chế, khoán kinh phí (theo Thông báo kết luận của Ban Bí thư số 158-TB/TW, ngày 02/01/2020 về việc tiếp tục thực hiện Kết luận số 102-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về hội quần chúng trong tình hình mới) sau khi có hướng dẫn cụ thể của cơ quan có thẩm quyền.
Đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định 45, ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động của hội hiện nay.
Bên cạnh đó, Hội Luật gia Việt Nam được giao chỉ tiêu biên chế. Pháp luật quy định cán bộ làm việc tại Hội được áp dụng như công chức, viên chức nhưng một số quy định về chế độ, chính sách với cán bộ Hội chưa rõ ràng dẫn đến việc không xác định được ngạch, bậc để áp dụng chế độ như công chức hay viên chức. Những vướng mắc đó cũng xuất phát từ việc không xác định rõ Hội Luật gia Việt Nam có phải là đơn vị sự nghiệp công lập hay không? Do đó, dẫn đến việc xác định chức danh, xây dựng vị trí việc làm trong cơ quan Hội khó thực hiện được.
Đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu về việc xác định Hội Luật gia Việt Nam là đơn vị sự nghiệp công lập để từ đó có quy định cụ thể về chế độ, chính sách đối với cán bộ công tác tại Hội.
Cán bộ đã nghỉ hưu công tác tại Hội là rất cần thiết để phát huy trí tuệ và kinh nghiệm của họ đối với công tác Hội. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định nào cụ thể về chế độ, chính sách đối với đội ngũ này. Đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu để có quy định cụ thể về chế độ chính sách đối với cán bộ đã nghỉ hưu công tác tại Hội….
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận, trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến những đề xuất về hoạt động và tổ chức của Hội Luật gia Việt Nam bao gồm: thực hiện cơ chế giao việc, khoán biên chế, khoán kinh phí cho Hội Luật gia Việt Nam; thống nhất điều lệ ở các cấp Hội; công nhận kết quả bầu cử; cơ chế chính sách đối với lãnh đạo, công chức, viên chức; chế độ tiền lương và phụ cấp khi chuyển từ cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan của Đảng sang làm việc tại Hội; các văn bản quy định về Hội đang bị chồng chéo cần phải sửa đổi: Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, Nghị định số 06/2010/NĐ-CP quy định những người là công chức…; chế độ cho cán bộ đã nghỉ hưu công tác tại Hội; vấn đề tổ chức các cấp Hội.
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng nhấn mạnh, Hội Luật gia Việt Nam là một trong những Hội lớn, được tổ chức rộng rãi với số lượng hội viên đông đảo, thực hiện các nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao rất tích cực, đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật và Điều lệ Hội, là địa chỉ tin cậy thương hiệu về pháp lý. Đặc biệt là đảm bảo đoàn kết nội bộ.
Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng đánh giá cao các hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam, đặc biệt trong công tác tham gia xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật của các cấp Hội; tuyên truyền phổ biến đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, vận động nhân dân tôn trọng, chấp hành pháp luật; tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; hòa giải ở cơ sở; đối ngoại nhân dân và hợp tác quốc tế.
Thứ trưởng cũng thông tin, Bộ Nội vụ đang xây dựng và dự kiến tháng 4/2022 sẽ đưa vào sử dụng Trang thông tin điện tử và cơ sở dữ liệu về Hội, do đó, đề nghị Hội Luật gia Việt Nam chia sẻ, cập nhật thông tin và khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu một cách hiệu quả. Trong tháng 5/2022, Bộ Nội vụ sẽ chủ trì Hội nghị với các Hội kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh thành để bàn về những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động các các Hội hiện nay.
Về các kiến nghị của Hội Luật gia Việt Nam và nội dung thảo luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng đề nghị Vụ Tổ chức phi Chính phủ tổng hợp để báo cáo lãnh đạo Bộ Nội vụ theo quy định. Những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ, Bộ Nội vụ sẽ trả lời, giải đáp, hướng dẫn; những vấn đề vượt thẩm quyền của Bộ, đề nghị Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục phối hợp để báo cáo, trình cấp có thẩm quyền theo đúng quy định.
Hoàng Bích - Mạnh Quốc