Hơn 10 năm không thực hiện đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu làm rõ vì sao từ năm 2009 đến nay chưa có trường hợp đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện mà toàn cấp trực tiếp...

Cần rà soát đồng bộ dự án Luật

Sáng 18/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Trình bày tờ trình, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện bổ sung 2 điều, sửa đổi 15 điều; bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số cụm từ tại một số điều để bảo đảm tính thống nhất trong toàn bộ dự thảo.

Nội dung của dự án Luật tập trung vào các vấn đề: Nhóm các vấn đề về quy hoạch băng tần, cấp giấy phép sử dụng tần số và chế tài xử lý vi phạm; Nhóm vấn đề về khoản thu từ việc sử dụng tần số; Sửa đổi quy định về đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên; Nhóm vấn đề về kiểm tra, kiểm soát tần số vô tuyến điện, xử lý nhiễu có hại, đăng ký, phối hợp quốc tế về tần số, quỹ đạo vệ tinh và sử dụng tần số phục vụ mục đích quốc phòng an ninh; Nhóm vấn đề về sửa đổi thẩm quyền quy định văn bản để phù hợp, thống nhất với các Luật có liên quan; Điều khoản chuyển tiếp…

Thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh, các nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Tiêu điểm - Hơn 10 năm không thực hiện đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện

Toàn cảnh phiên họp.

Về đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, nhiều ý kiến đề nghị thực hiện theo quy định của Luật Đấu giá. Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến đề nghị quy định thêm các quy định về đấu giá trong Luật Tần số vô tuyến điện để phù hợp với đặc thù của lĩnh vực này.

Đối với quy định về việc thu phí, lệ phí, tiền sử dụng tần số vô tuyến điện nhiều ý kiến cho rằng hiện nay quy định trong Luật còn chưa cụ thể mà giao cho Chính phủ quy định mức thu, phương thức thu nên đề nghị quy định nguyên tắc tính toán mức thu, quy định về quản lý, sử dụng đặc biệt là thu cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo dự án Luật cần rà soát dự án Luật sao cho đồng bộ, thống nhất với các Luật Quy hoạch, Luật Đấu giá tài sản, Luật An ninh quốc gia, Luật Quốc phòng và tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan.

Đặc biệt, nghiên cứu kỹ sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh theo hướng cho phép kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội trong trường hợp cần thiết. Theo đó, cơ quan soạn thảo dự án Luật cần có đánh giá báo cáo tác động một cách đầy đủ.

Về đấu giá tần số vô tuyến điện, ông Phương cho rằng, cần phải có nghiên cứu kỹ lưỡng, chặt chẽ, rõ ràng, tránh xảy ra lợi ích nhóm nhằm đảm bảo quốc phòng an ninh, vừa đảm bảo lợi ích kinh tế và công bằng trong cạnh tranh lành mạnh trên thị trường kinh doanh thông tin di động.

“Việc đấu giá cũng phải thực hiện theo quy định của Luật hiện hành về pháp luật đấu giá tài sản cũng như các quy định về pháp luật hiện hành khác có liên quan”, ông Phương nhấn mạnh.

Tài sản quốc gia quan trọng

Cho ý kiến đối với dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tần số vô tuyến điện là tài sản quốc gia quan trọng và ngày càng có giá trị, đặc biệt là trong bối cảnh nước ta đang thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Các quốc gia đều chú trọng khẳng định và thúc đẩy để bảo vệ các quyền lợi, nhất là về chủ quyền quốc gia về tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh.

Chủ tịch Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự án Luật cần có đánh giá tác động cũng như nghiên cứu kỹ lưỡng các điều lệ, thông lệ quốc tế khi doanh nghiệp Việt Nam tham gia và hội nhập với quốc tế.

Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật bổ sung, làm rõ điều kiện đối với chủ thể được phân bổ băng tần để đảm bảo hiệu quả sử dụng cao nhất, tránh tích tụ băng tần gây lãng phí tài nguyên quốc gia.

Tiêu điểm - Hơn 10 năm không thực hiện đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện (Hình 2).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu quan điểm tại phiên họp.

Về phương thức cấp giấy phép quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, Chủ tịch Vương Đình Huệ nêu rõ, luật hiện hành đang quy định ba phương thức là cấp giấy phép trực tiếp, thông qua thi tuyển và đấu giá.

“Tuy nhiên, từ năm 2009 đến nay chưa có trường hợp nào đấu giá hay thi tuyển mà toàn cấp trực tiếp, vậy phải lý giải việc này, xem có vướng mắc gì mà không làm được”, Chủ tịch Vương Đình Huệ cho hay.

Việc đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện cũng phải có tiêu chí cụ thể, đảm bảo tính công khai minh bạch, xem có vướng mắc gì về các quy định pháp luật, hình thức đấu giá và thi tuyển cần phù hợp thực tế nên đề nghị các cơ quan cần có sự thảo luận thêm.

Chủ tịch Vương Đình Huệ cũng đề nghị làm rõ quy trình đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện sẽ theo quy định của Luật Đấu giá tài sản hay theo quy định của Luật Tần số vô tuyến điện.

Ngoài ra, cần làm rõ việc các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài tham gia thi tuyển, đấu giá quyền sử dụng băng tần thì có ràng buộc nào không để đảm bảo yếu tố quốc phòng, an ninh  bởi đây là vấn đề nhạy cảm liên quan đến chủ quyền số.

Trong khuôn khổ phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về đấu giá khi chuyển quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện; thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá cấp phép chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với các băng tần; giới hạn tổng độ rộng băng tần...