Kể từ đầu năm cho tới nay, bên cạnh nhóm công nghệ, các cổ phiếu của ngành hàng không cũng có diễn biến tích cực. Trong đó, đáng chú ý phải kể đến cổ phiếu của "gã khổng lồ' trong ngành là ACV - đơn vị độc quyền vận hành 22 sân bay tại Việt Nam ghi nhận mức tăng 82% lên mức 120.900 đồng/cp. Cổ phiếu này đã nhiều lần phá đỉnh trong vòng 6 tháng qua.
Cũng không kém ấn tượng có thể kể đến cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines khi ghi nhận mức tăng 130% đạt 28.950 đồng/cp. Đây cũng là mức giá cao nhất trong vòng 2 năm qua của HVN. Một số cổ phiếu như SAS hay SCS cũng ghi nhận mức tăng trưởng 2 chữ số kể từ đầu năm.
Với đà tăng của cổ phiếu, vốn hóa của các doanh nghiệp ngành hàng không cũng tăng chóng mặt. Đơn cử như ACV, giá trị thị trường của công ty này đã tăng gần 120.000 tỷ đồng để vượt cột mốc 10 tỷ USD vốn hóa. Giá trị thị trường của Vietnam Airlines cũng ghi mức tăng 37.000 tỷ đồng lên hơn 64.000 tỷ.
Các cổ phiếu của ngành hàng không rủ nhau "cất cánh" đến từ việc lượng khách sử dụng dịch vụ tăng mạnh kể từ đầu năm. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, số lượng hành khách sử dụng dịch vụ hàng hàng không đạt 22,3 triệu lượt, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, lượng khách quốc tế - tệp khách hàng mang lại doanh thu lớn nhất cho ngành hàng không đã đạt 6,3 triệu người, gấp 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2023. Lượng hàng hóa được vận chuyển qua đường hàng không cũng tăng 47,5% so với năm trước đó.
Nhờ hưởng lợi từ khách quốc tế,trong quý 1/2024 các doanh nghiệp trong ngành hàng không cũng báo cáo kết quả kinh doanh tích cực. Theo cập nhật mới nhất của FiinTrade, ngành hàng không đang dẫn đầu toàn thị trường chứng khoán về mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ, trong quý 1/2024 với mức tăng 1.962,7%.
Điển hình, Vietnam Airlines ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý 1/2024 lên tới 4.400 tỷ đồng nhờ được xóa nợ. Trong khi đó, công ty đã có liên tiếp 12 quý trước đó báo lỗ. Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) cũng công bố khoản lãi kỷ lục hơn 2.900 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ trong quý 1/2024.
Vietjet (VJC) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt lần lượt 17.792 tỷ đồng và 539 tỷ đồng, tăng 38% và 212% so với cùng kỳ 2023. Với mức lợi nhuận này, Vietjet đã quay về thời kỳ trước khi dịch Covid-19 ập đến. Ngay cả tân binh trên thị trường là hãng hàng không lữ hành Vietravel Airlines, cũng lần đầu tiên có lãi sau thuế hơn 10 tỷ đồng trong quý 1/2024 sau hơn 3 năm đi vào khai thác.
Theo dự báo của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), thị trường hàng không toàn cầu sẽ phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2024. Trong đó, thị trường châu Á - Thái Bình Dương, khu vực phục hồi chậm nhất, có thể ngắt mạch lỗ và đạt lợi nhuận khoảng 1,1 tỷ USD trong năm 2024.
Còn theo báo cáo phân tích ngành hàng không của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, thời kỳ khó khăn nhất của ngành đã đi qua. Điều này phần nào giúp cổ phiếu của các doanh nghiệp hàng không trong đó có HVN của Vietnam Airlines cất cánh.
Bốn lý do được nhóm phân tích của công ty chứng khoán này chỉ ra gồm: giá dầu kỳ vọng duy trì ổn định; nhu cầu du lịch và vận chuyển hàng hóa tăng; tăng trần vé máy bay nội địa; triển vọng dài hạn nhờ sân bay Long Thành.
Đầu tiên, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 25 - 28% chi phí khai thác của các hãng hàng không. Với việc giá dầu duy trì quanh mức 90 USD/thùng, hãng chứng khoán này nhận định, biên lợi nhuận của ngành sẽ không phải chịu quá nhiều áp lực trong năm nay.
Bên cạnh đó, trong năm 2023, khi lượng khách quốc tế đang trên đà phục hồi, số lượng khách trong nước đạt tăng trưởng mức 7%. Đến quý I/2024, khách du lịch trong nước đạt mức 30 triệu người, tăng 9% so với cùng kỳ. "Dự báo thị trường hàng không Việt Nam cũng nằm trong xu thế của thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương và sẽ hoàn toàn hồi phục vào cuối năm 2024", báo cáo phân tích nêu.
Mặt khác, công ty chứng khoán này cũng đưa ra lưu ý, việc tăng trần giá vé máy bay sẽ tạo điều kiện cho các hãng bù đắp chi phí đầu vào, đặc biệt là giá nhiên liệu. Điều này cũng giúp các hãng có dư địa điều chỉnh giá vé trên đường bay nội địa. Tuy nhiên, các hãng sẽ phải cân đối giá vé để bảo đảm hiệu quả hoạt động và quyền lợi khách hàng.
Cuối cùng, khi sân bay quốc tế Long Thành được hoàn thiện với công suất 100 triệu khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa, sẽ cải thiện tình trạng quá tải tại Tân Sơn Nhất. Điều này mang lại lợi ích cho các hãng hàng không và dịch vụ hàng không dài hạn.
Dự án sân bay Long Thành - dự án được cả ngành hàng không kỳ vọng là cú hích cho tương lai đã có những diễn biến tích cực mới. Theo đó, hồi đầu tháng, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng xem xét giao ACV lập phương án nghiên cứu đầu tư giai đoạn 2 cảng Long Thành. Theo Nghị quyết 94/2015, Quốc hội xác định quy mô đầu tư sân bay Long Thành theo từng giai đoạn.
Trong đó, giai đoạn 1 đầu tư xây dựng một đường băng và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu hành khách, 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Giai đoạn 2 tiếp tục đầu tư xây dựng thêm một đường băng và một nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu hành khách/năm. Giai đoạn 3 hoàn thành các hạng mục của dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách, 5 triệu tấn hàng hóa một năm.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, để có thể san lấp mặt bằng khu vực nhà ga hành khách T2 và đường cất hạ cánh thứ 2, Chính phủ cần chỉ đạo lập báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 2 của dự án và báo cáo Quốc hội thông qua.
Dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng trên diện tích 5.000 ha tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Sân bay đạt cấp 4F, hướng tới là một trong những trung tâm trung chuyển hàng không của khu vực. Dự án đặt mục tiêu công suất 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Tổng mức đầu tư khái toán khoảng 16,06 tỷ USD, chia 3 giai đoạn đầu tư.