GS Ngô Bảo Châu bất ngờ trả lời câu: "Giải bài toán khó với hiểu phụ nữ, cái nào dễ hơn?”

Nhận được câu hỏi trên từ một nam sinh viên quê ở Gia Lai, GS Ngô Bảo Châu cười và cho rằng câu hỏi này rất thú vị.

Chiều 1/4, GS Ngô Bảo Châu có cuộc trò chuyện với học sinh, sinh viên Đại học Quốc gia TP.HCM về những câu chuyện xung quanh Toán học và cuộc sống.

Trong buổi trò chuyện, nam sinh viên tên Bình giơ cánh tay “rất thẳng rất cao” lên hỏi Giáo sư 3 câu liên tiếp.

“Vợ của GS có ảnh hưởng gì đến sự nghiệp nghiên cứu? GS làm ở Pháp thì thấy phụ nữ Việt Nam và phụ nữ Pháp giống và khác nhau điểm nào? Và một câu hỏi “nghiêm túc”: Việc giải một bài toán khó với việc hiểu một người phụ nữ thì GS thấy việc nào dễ hơn”, nam sinh hỏi.

GS Ngô Bảo Châu sau khi nghe câu hỏi không khỏi bật cười và khen “đây là một câu hỏi rất thú vị”. 

GS Ngô Bảo Châu bất ngờ trả lời câu: Giải bài toán khó với hiểu phụ nữ, cái nào dễ hơn?” - Ảnh 1.

Nam sinh viên quê Gia Lai đặt câu hỏi chủ đề "phụ nữ" cho Giáo sư. Ảnh: ĐH QG TPHCM

Trả lời “chùm” câu hỏi trên, GS bắt đầu kể về người vợ của mình. “Vợ tôi là Nguyễn Bảo Thanh. Tôi rất may mắn khi có một người vợ luôn luôn chăm sóc và tôn trọng công việc của tôi. Đây không phải điều dễ dàng.”

Ông chia sẻ, việc nghiên cứu về toán đôi lúc khiến ông giống như một người tự kỷ, trong gia đình không muốn nói chuyện với ai. Nhiều khi về nhà mặt xệ xuống nhưng thực ra đang suy nghĩ về toán chứ không có chuyện gì. 

Vợ ông có thể phải chịu gánh nặng tâm lý khá lớn khi có một ông chồng cứ 'mặt nặng mày nhẹ'. Nhưng vợ ông rất thông cảm việc của chồng, các con của ông cũng vậy. Dù vợ ông không phải là người học toán, cũng không hiểu những việc ông đang làm nhưng rất tôn trọng công việc của chồng. Đó là chỗ dựa vững chắc cho ông nghiên cứu khoa học.

So sánh về việc giải một bài toán khó và hiểu một người phụ nữ, GS Ngô Bảo Châu cho rằng cả hai đều khó.

“Dù cả hai đều khó, nhưng sẽ có điểm khác nhau. Thường khi giải một bài toán, là ngày hôm nay ta hiểu được và ngày mai cũng có thể hiểu. Còn người phụ nữ thì hôm nay hiểu nhưng ngày mai có thể không hiểu”, GS Châu trả lời.

Trước câu trả lời khéo léo và mang tính hài hước, cả hội trường phía dưới đều vỗ tay lớn và không khỏi bật cười.

GS Ngô Bảo Châu giải đáp câu hỏi của sinh viên. Nguồn: Đại học Quốc gia TP HCM

 “Càng lớn tuổi tôi càng lười, thích lên giường đi ngủ”

Trong buổi nói chuyện, GS còn nhận được rất nhiều câu hỏi thú vị. Một sinh viên mạnh dạn hỏi: “Giáo sư có phải là người giỏi cân bằng mọi thứ trong cuộc sống không, hoặc thầy có khoảnh khắc lười trong ngày không? Nếu có thầy đã làm thế nào để vực dậy khỏi cơn lười đó?”

GS Ngô Bảo Châu nói không rõ mình có giỏi về việc cân bằng mọi thứ không, nhưng thực tế có rất nhiều khoảnh khắc mình bị mất cân bằng.

"Những thứ tôi quan tâm chủ yếu là toán học, triết học, văn học,… - những điều tôi cho rằng có lẽ làm cho cuộc sống thú vị hơn. Tuy nhiên, suy nghĩ của tôi là chúng ta không thiếu thời gian, chúng ta chỉ thiếu tập trung. 

Việc lười thì ai cũng lười cả. Nhưng càng lớn tuổi, tôi càng thích đi ngủ, lúc mệt chỉ muốn chui vào giường đi ngủ thôi. Mặt khác, khi càng lớn tuổi, tôi càng phải có nhiều trách nhiệm và cố gắng hoàn thành trách nhiệm của mình. Điều đó là động lực để tôi thoát khỏi cơn lười".

GS giải đáp câu hỏi về chủ đề "lười". Nguồn: Đại học Quốc gia TP HCM

https://soha.vn/gs-ngo-bao-chau-bat-ngo-tra-loi-cau-giai-bai-toan-kho-voi-hieu-phu-nu-cai-nao-de-hon-20220401174038836.htm