Đề xuất bổ sung đối tượng được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT

Tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất bổ sung các quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, phương thức đóng bảo hiểm y tế của một số đối tượng...

Mới đây, Bộ Y tế đã đăng tải dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế để các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nghiên cứu, đóng góp ý kiến.

Bộ Y tế cho biết, sau một thời gian triển khai thực hiện Nghị định số 146/2018/NĐ-CP đã có một số khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện tại cơ quan Bảo hiểm xã hội cũng như tại các cơ sở y tế.

Thứ nhất, chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về chính sách hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế cho nhân dân các xã ATK cách mạng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 14/CT-TTg.

Thứ hai, phương thức đóng của một số đối tượng quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị định sô 146/2018/NĐ-CP (Người tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc) chưa được quy định trong Nghị định số 146/2018/NĐ-CP.

Thứ ba, mức hưởng của đối tượng quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị định số146/2018/NĐ-CP (Thanh niên xung; cán bộ, chiến sĩ Công an đã được giải quyết hưởng chế độ theo quy định tại các Quyết định: số 209/2005/QĐ-TTg ngày 01 tháng 11 năm 2005, số 188/2007/QĐ-TTg ngày 06 tháng 12 năm 2007, số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20 tháng 8 năm 2020, số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ); Dân công hỏa tuyến (theo Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ) bị giảm mức hưởng, từ 100% (theo quy định tại Nghị định số 105/2014/NĐ-CP) xuống còn 80% (theo quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP).

Thứ tư, người dân tộc thiểu số thoát nghèo theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, nhưng trong thực tế, còn rất nhiều người dân thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, được nhiều Đại biểu Quốc hội và cử tri phản ánh, kiến nghị đang rất khó khăn.

Thứ năm, một số khó khăn, vướng mắc, bất cập liên quan đến tổng mức thanh toán trong thanh toán, quyết toán chi phí KCB bảo hiểm y tế do Nghị định số 146/2018/NĐ-CP chưa quy định đầy đủ các nguyên nhân làm phát sinh chi phí tại cơ sở KCB; phương pháp xác định tổng mức thanh toán bằng công thức, nhưng khi triển khai xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện hoặc bằng công văn để diễn giải, quy định, hướng dẫn cụ thể rất phức tạp, dẫn đến khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện, tổng mức thanh toán chưa phản ánh đầy đủ các chi phí thực tế phát sinh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Ngày 25/10/2021, lãnh đạo Bộ Y tế và lãnh đạo BHXH Việt Nam đã họp, thống nhất giao “Vụ BHYT làm đầu mối phối hợp với các đơn vị có liên quan đề nghị sửa đổi Nghị định số 146/2018/NĐ-CP theo hướng bỏ quy định về Tổng mức thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT để hạn chế các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình thực hiện khám, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT” (Thông báo kết luận số 2006/TB-BYT ngày 07 tháng 12 năm 2021 của Bộ Y tế).

Thứ sáu, tình hình dịch bệnh mới (đại dịch do COVID-19) gây ra, nếu thực hiện theo quy định hiện hành thì có nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập trong việc tiếp nhận, chuyển tuyến, bảo đảm quyền lợi trong khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người tham gia bảo hiểm y tế và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Theo Bộ Y tế, việc xây dựng, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP là cần thiết để khắc phục được những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế nói chung, trong thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo phương thức thanh toán theo giá dịch vụ. Việc xây dựng, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP bảo đảm cả tính pháp lý và thực tiễn.

Đề xuất bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm y tế

Tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm y tế như: Người dân sinh sống ở các xã An toàn khu, vùng An toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (nhóm do ngân sách nhà nước đóng); người dân tộc thiểu số thoát nghèo theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 (nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng)…

Về lý do sửa đổi bổ sung, bộ Y tế cho biết, theo quy định tại điểm c Khoản 4 Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ xã ATK, vùng ATK cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Y tế: "Chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu sửa đổi bổ sung Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ trong đó có chính sách hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế cho nhân dân các xã ATK cách mạng".

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2021 đã có rất nhiều phản ánh, kiến nghị của người dân cũng như của cử tri, đại biểu Quốc hội (tại kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV) về những bất cập khi thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg, ảnh hưởng đến đời sống của người dân tộc thiểu số vừa thoát nghèo.

Tiếp thu ý kiến phản ánh, kiến nghị, Bộ Y tế cùng với các Bộ, ngành có liên quan đề xuất bổ sung theo hướng ngân sách Nhà nước hỗ trợ 70% tương tự như hỗ trợ đối với những đối tượng đã quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 146/2018/NĐ-CP (Người thuộc hộ gia đình cận nghèo theo tiêu chí chuẩn cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ).

Ngoài ra, dự thảo Nghị định bổ sung thêm mức hưởng 100% cho nhóm đối tượng người tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc, mức hưởng 95% cho nhóm đối tượng người dân tộc thiểu số thoát nghèo nêu trên.

Tuệ Minh