Đảm bảo an toàn PCCC tại các cơ sở kinh doanh

Pháp luật cuộc sống

Thời gian qua, trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ cháy tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dẫn đến hậu quả nặng nề. Trước tình hình đó, nhất là khi Quảng Ninh đã cho mở cửa trở lại các cơ sở kinh doanh dịch vụ luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, Cảnh sát PCCC khuyến cáo các chủ cơ sở cần tuân thủ quy định về đảm bảo an toàn PCCC, chủ động có biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại do cháy nổ gây ra.

Toàn bộ các vật dụng, hàng hóa trong gian hàng đã bị thiêu rụi.

Gian hàng tạp hóa tại chợ xã Hạ Long (huyện Vân Đồn) bị cháy ngày 21/3/2022.

Ngày 21/3/2022, một gian hàng tạp hóa tại chợ xã Hạ Long (huyện Vân Đồn) đã bốc cháy dữ dội. Khi lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an huyện Vân Đồn) có mặt tại hiện trường, ngọn lửa đã bao trùm toàn bộ gian hàng khoảng 25m2. Do gian hàng bán đồ tạp hóa, đám cháy phát triển mạnh, có xu hướng cháy lan sang bên cạnh, nên phải mất gần 1 giờ triển khai đội hình chữa cháy với các mũi phun từ nhiều hướng, lực lượng chữa cháy mới khống chế và dập tắt hoàn toàn đám cháy, không để cháy lan ra xung quanh.

Chỉ vì một chút bất cẩn của chủ nhà trong sử dụng nguồn lửa, toàn bộ vật dụng trong gian hàng, bao gồm: Tủ lạnh, giường, hương, vàng mã, đồ tạp hóa... có giá trị trên 50 triệu đồng, trong phút chốc đã biến thành tro, chỉ còn trơ lại khung sắt. Mặc dù không có thiệt hại về người, nhưng thiệt hại về kinh tế và việc khắc phục hậu quả sau vụ cháy đối với một hộ kinh doanh không phải chuyện đơn giản. Đó rõ ràng là điều không ai mong muốn, nhưng trên thực tế, ở bất cứ đâu cũng vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ, nhất là tại các cơ sở kinh doanh, nơi có nhiều vật dụng dễ cháy.

Theo trung tá Ngô Hải Nam, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh), các chủ cơ sở cần tăng cường tuyên truyền nâng cao kiến thức PCCC cho những người làm việc trực tiếp tại cơ sở; tổ chức kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị điện, tiến hành thay thế đối với thiết bị đã cũ, hỏng. Ngoài ra, cần kiểm tra toàn bộ các điều kiện về đường, lối thoát nạn bên trong cơ sở; bảo dưỡng hệ thống báo cháy, chữa cháy, bảo đảm hoạt động theo đúng công năng thiết kế, bảo đảm duy trì nguồn điện chính và nguồn điện dự phòng cấp cho hệ thống này...

Công an phường Hà An, TX Quảng Yên kiểm tra công tác PCCC đối với các cơ sở kinh doanh gas, khí hóa lỏng trên địa bàn.

Công an phường Hà An (TX Quảng Yên) kiểm tra công tác PCCC đối với các cơ sở kinh doanh gas, khí hóa lỏng trên địa bàn.

Không chỉ với các cơ sở kinh doanh, đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, việc tuân thủ các quy định về PCCC cũng vô cùng quan trọng. Mới đây UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 10/2022/QĐ-UBND quy định về an toàn PCCC đối với nhà ở hộ gia đình và nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 1/3/2022. 

Theo đó, chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, cá nhân có trách nhiệm tuân thủ pháp luật và nắm vững kiến thức cần thiết về PCCC; biết sử dụng dụng cụ, phương tiện chữa cháy thông dụng; bảo đảm an toàn về PCCC trong quá trình sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt và trong bảo quản, sử dụng chất cháy; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở thành viên trong gia đình thực hiện quy định của pháp luật về PCCC, khắc phục các sơ hở, thiếu sót có nguy cơ dẫn đến cháy, nổ. Đặc biệt, không bố trí nơi đun nấu, thờ cúng tại khu vực sản xuất, kinh doanh.

Thực tế cho thấy, nhiều vụ cháy để lại hậu quả thương tâm do không có lối thoát nạn (nhiều nhà làm "chuồng cọp" ở ban công). Do đó, bên cạnh việc quy định về chiều cao, chiều rộng tối thiểu của lối thoát nạn, Quyết định này cũng nêu rõ, đối với nhà nhiều tầng phải bố trí lối lên sân thượng hoặc lên mái bằng cầu thang bộ hoặc thang leo qua lỗ cửa trên mái; có lỗ mở để thoát khói tự nhiên; trong trường hợp lắp đặt lồng sắt “chuồng cọp”, phải mở ô cửa đảm bảo thoát nạn khi có sự cố.

TH