Bởi, dù nhiều cơ hội, lợi nhuận cao nhưng cũng có không ít thách thức và trong số những startup trong lĩnh vực công nghệ giáo dục (Edtech) bỗng trở thành những “ngôi sao mới nổi” thì đâu đó vẫn còn nhiều nhà đầu tư đã thất bại đành chia tay lĩnh vực tưởng “dễ ăn” này…
Năm 2021: Năm kỷ lục về vốn đầu tư vào Edtech trên toàn cầu
Edtech (Education Technology) là từ kết hợp giữa Education (giáo dục) và Technology (công nghệ). Edtech được hiểu là áp dụng công nghệ vào giáo dục, hay được gọi với cái tên khác là giáo dục 4.0. Khái niệm này đề cập đến việc đưa các kỹ thuật áp dụng công nghệ thông tin vào giáo dục bao gồm: phần cứng và phần mềm vào việc giảng dạy nhằm nâng cao trải nghiệm học tập một cách toàn diện và hấp dẫn hơn.
Theo Grand View Research, ngành công nghiệp Edtech đã có giá trị hơn 76 tỷ USD vào năm 2019 và được dự kiến tăng trưởng với mức tăng trưởng kép hàng năm vào khoảng 18,1% từ năm 2020 - 2027. Tại châu Âu, đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực Edtech năm 2021 đã đạt 2,5 tỷ USD, cao hơn 3 lần so với chỉ 785 triệu USD năm 2020. Con số này ở thị trường Bắc Mỹ là 9,3 tỷ USD, tăng hơn 181% so với năm 2020. Thị trường Edtech Ấn Độ cũng ghi nhận mức tăng tương tự, từ 1,8 tỷ USD năm 2020 lên 4 tỷ USD năm 2021.
Trong một báo cáo năm 2020, MarketsandMarkets dự báo, thị trường Edtech toàn cầu sẽ đạt 181, 3 tỷ USD vào năm 2025, gấp hơn 2 lần so với 85.8 tỷ USD năm 2020, với mức tăng trưởng kép hàng năm CAGR là 16.1%.
Thị trường Edtech tại Việt Nam - 'ngôi sao mới nổi' thời đại dịch
Nếu năm 2021 là năm kỷ lục về vốn đầu tư vào Edtech trên toàn cầu thì thị trường Edtech Việt Nam năm 2021 cũng sôi động không kém.
Trong lúc nhiều lĩnh vực khác lao đao vì dịch bệnh, lĩnh vực Edtech lại nhận được hàng triệu USD đầu tư nước ngoài. Elsa Speak, ứng dụng giúp người dùng cải thiện khả năng phát âm tiếng Anh, đã gọi được 15 triệu USD vốn đầu tư từ Mỹ, trong đó có các quỹ đầu tư của “ông lớn” công nghệ Google.
Clevai Vietnam, một start up về giáo dục trực tuyến nhận được khoản đầu tư trị giá 2,1 triệu USD từ Altara Venture. Trong khi đó, CoderSchool, start up chuyên dạy lập trình trực tuyến gọi được khoản đầu tư trị giá 2,6 triệu USD.
Educa Corporation, start up hoạt động trong lĩnh vực công nghệ giáo dục tiếng Anh nhận được 2 triệu USD từ quỹ Redefine Capital Fund.
Riêng EQuest Education Group, tổ chức giáo dục tư nhân chuyên đào tạo tiếng Anh và đào tạo số nhận được 100 triệu USD vốn đầu tư từ KKR của Mỹ.
Lịch sử gọi vốn của các startup Việt. (Nguồn: Tech in Asia)
Hay như Astrid (Thụy Điển), start up trong mảng game di động, “cha đẻ” của tựa game Candy Crush đã gọi thành công 5,3 triệu USD cho mảng học trực tuyến để bước chân vào thị trường Edtech Việt Nam.
Theo Ken Research, quy mô thị trường Edtech Việt Nam sẽ đạt 3 tỷ USD vào năm 2023 với tỉ lệ tăng trưởng kép hàng năm CAGR là 20,2% trong giai đoạn 2019-2023.
Còn theo Edtech Agency, Việt Nam đang nằm trong top 10 thị trường Edtech tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Và Nikkei Asia đánh giá, đây chỉ là giai đoạn đầu của sự bùng nổ.
Tiềm năng nhưng không dễ dàng "khai phá"
Nhiều chuyên gia đánh giá, lĩnh vực công nghệ giáo dục công nghệ tại Việt Nam hiện còn rất nhiều tiềm năng phát triển. Sự gia tăng mạnh mẽ vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này trong năm 2021 là bằng chứng. Tuy nhiên, dù nhiều cơ hội, lợi nhuận cao nhưng cũng có không ít thách thức. Và trong số những startup trong lĩnh vực Edtech bỗng trở thành những “ngôi sao mới nổi” thì đâu đó vẫn còn nhiều nhà đầu tư đã thất bại đành chia tay lĩnh vực ‘nóng’ tưởng ‘dễ ăn’ này…
Những startup trong lĩnh vực Edtech bỗng trở thành những “ngôi sao mới nổi”. (Nguồn: Tech in Asia)
Thứ nhất, phải thừa nhận, học trực tuyến đã hoàn toàn “soán ngôi” học trực tiếp trên lớp trong giai đoạn COVID-19. Nhưng khi dịch bệnh được kiểm soát, học trực tiếp vẫn là hình thức học tập phổ biến nhất.
Thứ hai, thị trường Edtech tăng trưởng nhanh chóng sẽ “mời gọi” nhiều công ty tham gia. Áp lực cạnh tranh là không hề nhỏ. Muốn tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp Edtech phải tìm ra hướng đi sáng tạo để giải quyết nhu cầu của người dùng, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Thứ ba, các chuyên gia nhận định, “cuộc chơi” giáo dục là cuộc chơi dài hạn. Để “hái quả ngọt”, nhà đầu tư cần ít nhất 5 năm. Đầu tư “lướt sóng” hay tìm kiếm siêu lợi nhuận trong thị trường này là điều không thể.
Tiềm năng phát triển của lĩnh vực Edtech tại Việt Nam là rất lớn. Nhưng cần phải có thêm thời gian để đánh giá khả năng sinh lời nó. Dẫu vậy, trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra nhanh hơn, cơ hội sẽ luôn đến cho những nhà đầu tư biết nắm bắt và có sự chuẩn bị.
Nhà đầu tư