ATNĐ, bão xuất hiện sớm hơn so với quy luật
Văn bản nêu rõ, theo thông tin tham khảo từ các cơ quan dự báo quốc tế (Windy, Ventusky,…), khoảng từ ngày 7-8/4, có khả năng xuất hiện 01 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên vùng biển phía nam Biển Đông và 02 cơn bão ở phía đông Philippines có khả năng đi vào Biển Đông.
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, đây là tình huống bất thường, có thể xuất hiện ATNĐ, bão sớm hơn so với quy luật hàng năm.
Nhằm chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do ATNĐ, bão có thể xảy ra, tránh tâm lý chủ quan, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện một số nội dung sau:
Chủ động ứng phó ATNĐ, bão
Thứ nhất, chủ động theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo của các cơ quan dự báo trong nước và quốc tế về diễn biến của ATNĐ, bão có thể xuất hiện trong thời gian tới.
Thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Thứ hai, tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai.
Ứng phó mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất
Cùng ngày Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã ban hành văn bản số 180 chỉ đạo ứng phó với mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.
Văn bản nêu rõ, những ngày qua tại khu vực miền Trung đã xảy ra đợt mưa lũ bất thường, trái mùa (tổng lượng mưa phổ biến 200-500 mm, có nơi tới trên 750 mm) kèm theo dông lốc, sóng lớn đã gây thiệt hại về người, nhà cửa, sản xuất nông nghiệp, thủy sản.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ đêm ngày 03/4 đến ngày 06/4, khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và phía đông Tây Nguyên tiếp tục có mưa to đến rất to; trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa có khả năng xuất hiện một đợt lũ với đỉnh lũ lên mức BĐ1 và trên BĐ1. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị.
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố thực hiện một số nội dung sau:
Tập trung khắc phục hậu quả thiên tai tại khu vực miền Trung theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 298/CĐ-TTg ngày 02/4/2022.
Tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời để giảm thiểu thiệt hại, trong đó tập trung thực hiện: Thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra.
Rà soát, sẵn sàng bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các khu vực ngập lụt, chia cắt; lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa, lũ.
Rà soát, sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp và tiêu thoát nước khu vực trũng thấp, đô thị, khu dân cư tập trung và khu công nghiệp.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai.
Mưa lũ bất thường gây thiệt hại nặng nề
Theo báo cáo nhanh của các địa phương, tính đến 07h ngày 4/4 đợt mưa lũ bất thường đã làm 4 người chết và mất tích; 2 nhà sập, 48 nhà tốc mái; 2.592 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 262 ghe, thuyền bị chìm.
Về nông nghiệp: Lúa bị ngập, thiệt hại 88.055ha; hoa màu bị ngập, thiệt hại 16.177ha; ngập 160.000 cây cảnh và 6ha chuối, 40ha cây trồng hàng năm.
Về giao thông, sạt lở một số tuyến đường giao thông địa phương tại Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam.
Về thủy lợi, đê điều: sạt lở, vỡ 1.300m đê bao ở Thừa Thiên Huế và sạt lở một số tuyến đê bao huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị và trôi 02 cống, vỡ 02 đập tạm, sạt lở 1.500m bờ biển (Quảng Nam); sạt lở 1.992m3 vùi lấp kênh mương (Đà Nẵng, Phú Yên) và một số thiệt hại khác.
Hiện còn ngập lụt một số vùng trũng thấp ven sông của huyện Hải Lăng, Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị; huyện Phong Điền, Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương khẩn trương, tranh thủ khắc phục sớm nhất, nhanh nhất thiệt hại, hỗ trợ ngay cho người bị thiệt hại ổn định cuộc sống, có chính sách giúp dân tái sản xuất; thường xuyên nắm bắt thông tin, sẵn sàng ứng phó với đợt mưa từ ngày 04-06/4;
Theo dõi, sẵn sàng ứng phó với khả năng xuất hiện ATNĐ trên biển Đông, bão phía Đông Philipines có thể vào biển Đông trong những ngày sắp tới.
Hỗ trợ người dân về lương thực để không hộ nào bị thiếu đói.
Huy động lực lượng giúp nhân dân vệ sinh môi trường, khôi phục nhà ở bị tốc mái, ngập lụt, ổn định đời sống ngay sau khi nước rút; vệ sinh các cơ sở hạ tầng, công sở để sớm đi vào hoạt động.
Tổ chức rà soát, thống kê đánh giá thiệt hại và kịp thời đề xuất nhu cầu hỗ trợ khi vượt quá khả năng khắc phục của địa phương.
- Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai và Văn phòng Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn./.