Câu chuyện ly kỳ trên hành trình sưu tầm cây cổ thụ của chàng trai 9X

Quá trình tìm kiếm, sưu tầm hàng trăm cây bonsai cổ thụ tự nhiên mang về chăm sóc, trưng bày đã để lại nhiều kỷ niệm khó quên cho chàng trai 9X ở phố núi.

Cây khế hơn 100 tuổi và điềm báo lúc nửa đêm

Dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng anh Trần Văn Thọ (SN 1992, trú xã Hòa Thuận, Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã dành trọn niềm đam mê của mình vào việc sưu tầm và chăm sóc những cây bonsai cổ thụ. Sau nhiều năm rong ruổi khắp nơi, chàng trai 9X này đang sở hữu nhiều cây bonsai có tuổi đời lên đến hàng trăm năm. Những cây cổ thụ này đều có hình thù độc đáo, hiếm có, thu hút sự quan tâm của đông đảo người yêu thích cây cảnh.

Khi được hỏi về cơ duyên với những cây cổ thụ “kỳ quái”, anh Thọ chia sẻ: “Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung có rất nhiều cánh rừng bạt ngàn, mang lại không khí trong lành, mát mẻ. Vì thế, mỗi khi cảm thấy đầu óc căng thẳng, tôi lại tìm đến những cánh rừng để được hòa mình vào thiên nhiên. Mỗi lần như thế, tôi nhận ra, những cây to lớn, vĩ đại chất chứa nhiều vẻ đẹp vô cùng quý giá mà thiên nhiên ban tặng. Hơn thế nữa, những cây cổ thụ ấy đã trải qua rất nhiều năm tháng, chịu sự khắc nghiệt của thời tiết, khí hậu nên mới hình thành nên những nét đẹp cổ kính, độc lạ”.

Dân sinh - Câu chuyện ly kỳ trên hành trình sưu tầm cây cổ thụ của chàng trai 9X

Cây bằng lăng phu thê, anh Thọ sưu tầm được ở tỉnh Đắk Nông. 

Từ nguồn cảm hứng đó, anh Thọ nảy sinh ý tưởng sưu tầm những cây bonsai cổ thụ ngoài thiên nhiên mang về để thỏa mãn đam mê và làm đẹp cho đời. Qua đó, anh cũng mong muốn đưa tới góc nhìn, những hình ảnh mới mẻ về những vẻ đẹp của thiên nhiên trên những cây bonsai cổ thụ đến gần với mọi người.

Năm 2018, anh Thọ bắt đầu đi sưu tầm những cây bonsai cổ thụ ở những vùng nông thôn. Cây cổ thụ đầu tiên mà anh Thọ sở hữu là cây bằng lăng tại một địa phương ở tỉnh Đắk Nông. Anh Thọ kể: “Năm đó, tôi nhận được thông tin có hộ dân ở một xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đắk Nông rao bán 1 cây bằng lăng hơn 100 năm tuổi. Không chút đắn đo, tôi vượt chặng đường khoảng 130km đến tìm chủ nhà để hỏi mua cây cổ thụ này. Chủ nhà cho biết, trong quá trình canh tác trên nương rẫy, họ khai thác cây cổ thụ này mang về vườn nhà trồng. Điều đặc biệt, gốc cây bằng lăng này có 2 cái nu, hình thù giống như một cặp vợ chồng. Do đó, sau khi sưu tầm về, tôi đặt tên là cây bằng lăng phu thê”. 

Tiếp đó, năm 2019, một người dân tại một vùng sâu vùng xa ở huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên) lên nương rẫy thì phát hiện có một cây khế có hình thù giống như một tảng đá nằm ngang dưới suối. Lúc này, thông qua những hình ảnh, video mà mọi người gửi, anh Thọ “bán tín bán nghi”, không tin đó là một cây khế.

Dân sinh - Câu chuyện ly kỳ trên hành trình sưu tầm cây cổ thụ của chàng trai 9X (Hình 2).

Cây khế có hình thù giống như một tảng đá ở huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên).

Để giải đáp thắc mắc, anh Thọ khăn gói lên đường, đi gần 300km tìm đến nơi có cây khế cổ thụ. “Khi có mặt tại làng quê này, tôi nhìn thấy một ngôi làng nằm dưới chân núi, xung quanh là đồng ruộng. Khi được người dân dẫn đến bờ suối, tôi được tận mắt chứng kiến có một cây khế hình thù như tảng đá đúng như người dân mô tả. Trong đó, có khoảng 60% thân cây bị đất đá vùi lấp, phần còn lại trồi lên mặt đất”, anh Thọ nói.

Để có thêm thông tin về cây khế, anh Thọ đi dò hỏi thì người dân địa phương cho biết, vào năm 2009, một cơn lũ kéo đến vùng quê này. Cũng sau cơn lũ đó, cây khế nói trên ngã xuống suối và bị tre, nứa, cây dại phủ kín nên rất hiếm người nhìn thấy.

Sau khi làm thủ tục xin phép chính quyền địa phương, anh Thọ thuê người đến đào cây khế lên để đưa về Đắk Lắk. Tuy nhiên, quá trình vận chuyển cây khế cổ thụ này, anh đối diện với không ít khó khăn, thách thức.

Dân sinh - Câu chuyện ly kỳ trên hành trình sưu tầm cây cổ thụ của chàng trai 9X (Hình 3).

Sau khi mang về, anh Thọ chăm sóc và tạo tán cho cây khế cổ thụ.

“Do cây nằm dưới suối nên việc vận chuyển rất khó khăn. Tôi phải nhờ người chạy xe cẩu từ Đắk Lắk xuống huyện Đồng Xuân để đưa cây khế lên. Tuy nhiên, khi cây khế vừa được đưa lên xe cẩu thì chân xe cẩu bị gãy, cần xe hư hỏng. Lúc này, tôi chạy lên nhà dân mượn dụng cụ tháo rời 2 chân xe cẩu ra để thuận lợi cho việc di chuyển. Thế nhưng, khi xe vừa chạy được 50m thì bị mắc lầy giữa đường. Lúc này, tôi tìm thuê xe càng độ chế của người dân địa phương đến kéo xe cẩu ra đường lớn. Thế nhưng, thuê đến chiếc xe càng thứ 4 vẫn không kéo được xe cẩu lên bởi cáp xe càng liên tục bị đứt”, anh Thọ nhớ lại.

Trong lúc loay hoay tìm cách khắc phục, anh Thọ phát hiện chiếc xe cẩu bị cháy côn nên thuê người đến mang ra Tp.Phú yên (cách đó khoảng 90km) để sửa chữa. Anh Thọ tiếp lời: “Đêm đó, trong lúc chờ sửa côn xe cẩu, người phụ xe ngủ lại trên cabin để trông coi phương tiện. Đến nửa đêm, người này nhìn thấy một bà cụ khoảng 90 tuổi đi đến gõ cửa cabin. Trong lúc hoảng sợ, người phụ xe bỏ chạy về làng gọi mọi người. Cho rằng đó là một điềm báo tâm linh, sáng hôm sau, tôi mua đồ về cúng xin mang cây khế này về làm đẹp cho đời. Vài ngày sau đó, cây khế được đưa về đến Đắk Lắk”.

Dân sinh - Câu chuyện ly kỳ trên hành trình sưu tầm cây cổ thụ của chàng trai 9X (Hình 4).

Sau 5 năm được chăm sóc tỉ mỉ, cây khế được hồi sinh, cành tán sum suê, khiến nhiều người không khỏi trầm trồ khen ngợi.

Đến nay, sau 5 năm được chăm sóc tỉ mỉ, cây khế như được hồi sinh, cành tán sum suê, dáng rất đẹp, với chiều cao 3,5m; tán rộng 3,5m; hoành thân 300cm.

Anh Thọ tâm sự: “Cây khế nói trên không chỉ là kỷ niệm đáng nhớ mà còn mang giá trị tinh thần rất lớn đối với tôi. Hơn thế nữa, cây khế cũng là hình ảnh gắn liền với tuổi thơ và vùng quê nơi tôi sinh ra. Do đó, ngoài cây khế sưu tầm tại Phú Yên, tôi còn tìm mua hơn 10 cây khế cổ thụ khác hàng trăm năm tuổi mang về chăm sóc, trưng bày”.

Sang nước ngoài săn cây độc lạ

Không chỉ sưu tầm cây cổ thụ ở trong nước, anh Thọ còn tìm đến các nước như: Thái Lan, Campuchia, Lào để mua cây cổ thụ tự nhiên về làm cảnh.

Dân sinh - Câu chuyện ly kỳ trên hành trình sưu tầm cây cổ thụ của chàng trai 9X (Hình 5).

Cây khế hơn 100 năm tuổi, với hình thù kỳ lạ được anh Thọ sưu tầm ở đất nước Thái Lan mang về chăm sóc, trưng bày.

Theo đó, năm 2023, sau khi nắm được thông tin về việc một người dân ở một quốc gia Đông Nam Á sở hữu cây khế hơn 100 năm tuổi, nu sần sùi từ gốc đến ngọn, anh Thọ đã nhờ người tìm đến tận nơi xem và hỏi mua. Sau khi chủ nhà đồng ý bán, anh Thọ nhờ người đến đào và làm các thủ tục để đưa về Việt Nam.

“Trong lúc mọi người đang đào cây khế thì rất nhiều người thân của chủ nhà và 30-40 người dân địa phương bất ngờ kéo đến không cho đưa cây cổ thụ này đi. Trong khi, tôi đã làm các thủ tục xin phép chính quyền địa phương để mua cây. Không còn cách nào khác, tôi phải liên hệ nhờ cơ quan chức năng đến giải quyết theo quy định nhưng người dân vẫn không đồng ý. Sau đó, được sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, chúng tôi phải bí mật vận chuyển cây khế này ra biên giới trong đêm. Tiếp đó, cây khế này được vận chuyển về đến Việt Nam. Quá trình vận chuyển cây khế cổ thụ từ quốc gia này về Việt Nam phải mất khoảng 10 lần mang cây lên, xuống, đổi xe và sau 40 ngày mới về tới Việt Nam”, anh Thọ cho biết.

Dân sinh - Câu chuyện ly kỳ trên hành trình sưu tầm cây cổ thụ của chàng trai 9X (Hình 6).

Cây bằng lăng cổ thụ có bầu “khủng" được anh Thọ mang về từ nước ngoài về.

Cách đây nửa năm, anh Thọ còn săn được cây bằng lăng cổ thụ có bầu “khủng”, cao 3,5m; hoành thân 720cm cũng tại một quốc gia Đông Nam Á. Sau 25 ngày vận chuyển, anh mới đưa được cây bằng lăng về đến Việt Nam. Ngay khi cây bằng lăng này có mặt tại bonsai của gia đình anh Thọ, có rất nhiều người ở khắp nơi trên cả nước đã đến đây thăm quan, chụp hình, thậm chí hỏi mua nhưng chàng trai 9X vẫn giữ lại bên mình.

Mới đây, anh Thọ còn tìm mua được cây tre có dáng độc lạ có một không hai ở Tây Nguyên. Gốc tre uốn thành hình dạng vô cực. Cây tre này được người dân phát hiện khi đi làm rẫy tại xã Ea Wy (huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk).

Dân sinh - Câu chuyện ly kỳ trên hành trình sưu tầm cây cổ thụ của chàng trai 9X (Hình 7).

Anh Thọ bên cây tre có dáng độc lạ.

Dân sinh - Câu chuyện ly kỳ trên hành trình sưu tầm cây cổ thụ của chàng trai 9X (Hình 8).

Hàng ngày, có không ít người đến thăm vườn cây bonsai cổ thụ của anh Thọ. 

Ngoài những cây cổ thụ nói trên, đến nay, anh Thọ đang sở hữu 100 cây bonsai khác. Trong đó, có khoảng 60 cây bonsai cổ thụ hơn 100 năm năm tuổi; những cây còn lại có độ tuổi từ 30-50 năm.

Sau khi đưa các cây cổ thụ ngoài tự nhiên về trồng trong chậu, anh Thọ không ngừng tìm hiểu, tích lũy kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc để cây sinh trưởng, phát triển thuận lợi. 

Ông Lưu Tấn Văn, Chánh Văn phòng Hội sinh vật cảnh tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện nay, Hội có 16 đơn vị, với 1.250 thành viên. Những năm qua phong trào sinh vật cảnh phát triển rầm rộ tại Đắk Lắk, nhiều bộ môn có tốc độ phát triển nhanh và mạnh như: Chim cảnh và Bonsai, đặc biệt là Bonsai mini. Thực hiện Nghị định 52/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, hiện nay phong trào sinh vật cảnh đã được sự ủng hộ nhiệt tình từ các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn. Qua đó, sinh vật cảnh đã đóng góp tích cực vào phòng trào xây dựng nông thôn mới và chỉnh trang đô thị. Diện mạo nông thôn khởi sắc từ các nhà vườn sinh vật cảnh, môi trường được cải thiện đáng kể, nhất là các trường học, cơ quan...

Khánh Ngọc